Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương vừa công bố bản án xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường do vi phạm bản quyền phần mềm với số tiền bồi thường lên đến gần 5 tỷ đồng đối với một Công ty sản xuất khóa kéo ở Bình Dương với hành vi để cho nhân viên tự ý cài đặt phần mềm thiết kế nhưng không trả tiền cho chủ sở hữu bản quyền. Đáng chú ý, Chủ công ty cho rằng, việc cài đặt phần mềm là hành vi đơn phương của nhân viên, không phải chủ trương của Công ty nên Công ty không có trách nhiệm bồi thường.

Diễn biến vụ việc ra sao, mời bạn cùng banquyen.net theo dõi tiếp nội dung dưới đây.

1. Diễn biến vụ tranh chấp[1]

Nguyên đơn là Công ty PCT có trụ sở tại Mỹ (“PCT”), sở hữu bản quyền phần mềm C. chuyên về thiết kế và gia công sản phẩm.

Bị đơn là Công ty sản xuất khóa kéo H có trụ sở tại Bình Dương (“Công ty H”).

Nguyên đơn PCT cáo buộc Bị đơn H vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền phần mềm C thông qua các bằng chứng gồm:

– Bằng chứng chứng minh Nguyên đơn là chủ sở hữu hợp pháp của phần mềm C. thông qua Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tại Mỹ;

– Kết luận Thanh tra về việc Công ty H có sử dụng trái phép phần mềm C.;

– Vi bằng kiểm tra các máy tính có cài đặt phần mềm trái phép tại Công ty H;

– Hợp đồng và hóa đơn mua bán chứng minh giá trị thương mại của phần mềm C.

Nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết:

– Buộc Bị đơn bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn số tiền 4.7 tỷ đồng.

– Buộc Bị đơn phải xin lỗi công khai trên báo Nhân dân và báo Bình Dương 03 số liên tiếp;

Ý kiến Bị đơn:

Công ty H không đồng ý với các cáo buộc cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại của Nguyên đơn vì cho rằng lỗi thuộc về nhân viên đã tự ý cài đặt phần mềm và sử dụng phần mềm cho mục đích cá nhân, Công ty H không sử dụng các phần mềm này vào mục đích thương mại để thiết kế khuôn mẫu khóa kéo mà mua ngoài các khuôn mẫu này. Đồng thời, công ty H đã tích cực ngăn chặn bằng cách gỡ bỏ phần mềm và xử lý kỷ luật sa thải đối với các nhân viên này, Công ty H cũng đã nộp phạt với số tiền 30 triệu đồng theo Quyết định xử phạt hành chính từ Kết luận Thanh tra nên không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của Nguyên đơn.

2. Nhận định của Tòa án

Về quyền khởi kiện:

Nguyên đơn đã giao nộp được Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm C. Quyền tác giả này được bảo hộ tại Việt Nam theo “Công ước Bern”, “Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2001” và khoản 2 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ) nên Nguyên đơn có quyền khởi kiện nếu có căn cứ xác định Bị đơn vi phạm “quyền tác giả” của Nguyên đơn.

Trích Khoản 2 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ:

Điều 13. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm:

– Bị đơn cho rằng Bị đơn không có chủ trương xâm phạm bản quyền, không sử dụng bản quyền của nguyên đơn vào mục đích thương mại, hành vi vi phạm là do một nhân viên của bị đơn tự ý thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu. Bị đơn đã chấp hành nộp phạt và gỡ bỏ phần mềm theo Quyết định xử phạt hành chính. Do đó, Bị đơn không đồng ý bồi thường cho Nguyên đơn.

– Tòa án nhận định Nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh Bị đơn có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với phần mềm của Nguyên đơn. Trong quá trình tố tụng, Bị đơn vắng mặt nhiều lần không có lý do, không có văn bản trình bày ý kiến nộp cho Tòa án, trong khi với vai trò là Giám đốc/Tổng giám đốc, Bị đơn phải có trình độ, nhận thức và đủ điều kiện để biết về hành vi vi phạm bản quyền, ý thức được nghĩa vụ chứng minh cho quyền lợi của mình trước Tòa án.

Về yêu cầu bồi thường:

Tòa án đã thu thập chứng cứ tại 2 công ty mua bán phần mềm và có được chứng từ mua bán phần mềm liên quan đến vụ tranh chấp, tại phiên Tòa, Bị đơn cũng đã thừa nhận giá trị mua bán phần mềm do Nguyên đơn đưa ra là phù hợp. Do đó, Tòa án cho rằng yêu cầu bồi thường thiệt hại của Nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp với pháp luật.

Về yêu cầu xin lỗi:

Căn cứ Khoản 2 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, Nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thực hiện việc xin lỗi. Do đó, yêu cầu Nguyên đơn về việc buộc Bị đơn xin lỗi công khai là có căn cứ, đúng pháp luật nên được chấp nhận.

Về án phí:

Vì yêu cầu của Nguyên đơn được chấp nhận nên Bị đơn phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

3. Quyết định của Tòa án

Có đủ căn cứ để chứng minh Bị đơn xâm phạm quyền tác giả phần mềm được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, Tòa án quyết định:

– Buộc Bị đơn bồi thường số tiền 4,7 tỷ đồng;

– Buộc Bị đơn phải xin lỗi công khai Nguyên đơn trên Báo Bình Dương và Báo Nhân dân 03 số báo liên tiếp;

– Buộc bị đơn chịu toàn bộ án phí sơ thẩm 113 triệu đồng.

4. Bình luận

– Đối với tranh chấp về bản quyền, khi Nguyên đơn đã đăng ký bản quyền thì sẽ có lợi thế về nghĩa vụ chứng minh, cụ thể, Nguyên đơn sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình nếu đã có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, trừ trường hợp Bên kia có chứng cứ ngược lại. Nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Nguyên đơn sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh mình là tác giả, chủ sở hữu bản quyền và thông thường là các bằng chứng đơn phương (giấy viết tay, file lưu trữ trong máy tính, email, …), có thể chưa đảm bảo tính xác thực do không có sự xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

giay-chung-nhan-dang-ky-quyen-tac-gia

– Việc bị xử phạt trong thủ tục xử lý vi phạm hành chính không đồng nghĩa với việc người vi phạm không phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự khi chủ thể quyền có yêu cầu và chứng minh được thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi xâm phạm.

– Hành vi sao chép trái phép phần mềm bất kể do nhân viên tự ý cài đặt hoặc theo chỉ đạo, chủ trương của lãnh đạo Công ty/Tổ chức vẫn có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả và Công ty có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu bản quyền.

– Tranh chấp bản quyền là một trong các loại tranh chấp dân sự phức tạp nhất hiện nay, đương sự cần có Luật sư am hiểu sâu về lĩnh vực bản quyền để có thể phân tích, đánh giá vụ việc, chuẩn bị các bằng chứng hợp lý, xác đáng, thuyết phục được hội đồng xét xử chấp nhận các yêu cầu khởi kiện.

– Khi bị kiện vì vi phạm bản quyền, thực tế hiện nay Bị đơn thường chưa nhìn nhận đúng bản chất và hậu quả pháp lý của vụ kiện do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp về bản quyền, chưa kịp thời tìm kiếm Luật sư chuyên sâu về bản quyền để được tham vấn trước và trong quá trình theo đuổi vụ kiện, và cũng thường nóng vội, mất bình tĩnh làm cho vụ việc càng phức tạp hơn và cuối cùng phải chịu hậu quả pháp lý nặng nề hơn.

Bạn đọc có thể xem bản án đầy đủ tại đây: [BẢN ÁN SỐ 10]

Nếu có thắc mắc hoặc cần Luật sư hỗ trợ về vấn đề bản quyền, các bạn có thể liên hệ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: 
info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn

[1] Bản án số 10/2022/KDTM-ST ngày 01/08/2022 của TAND tỉnh Bình Dương.