Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
ban quyen
VAI TRÒ CỦA TRA CỨU THÔNG TIN
  1. Sử dụng thông tin SHCN trong xác lập quyền SHTT

Để có được quyền sở hữu trí tuệ và nhận được sự bảo hộ của pháp luật, cần phải tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,v.v. tại cơ quan sở hữu trí tuệ. Trước khi tiến hành nộp đơn, cần phải tra cứu toàn bộ các thông tin có liên quan đến đối tượng dự định sẽ nộp đơn để biết được mức độ tương tự hoặc trùng lặp với những đối tượng đã nộp đơn đăng ký trước đó. Thông qua các thư viện điện tử trên mạng internet, chủ đơn có thể tự mình thực hiện tra cứu thông tin hoặc nộp đơn yêu cầu cơ quan sở hữu trí tuệ tra cứu nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng.

Trước khi quyết định lựa chọn biểu tượng (logo) cho doanh nghiệp, cần tra cứu xem có trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm giảm các chi phí thuê chuyên gia thiết kế, vẽ mẫu. Tiến hành tra cứu các cơ sở dữ liệu nhãn hiệu của các nước sẽ giúp sàng lọc trước khả năng trùng lặp, gây nhầm lẫn khi phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các nước này mà không phải thay đổi lại nhãn hiệu, biểu tượng của doanh nghiệp đã gây dựng trong nhiều năm trước đó.

Quyền sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ nhất định. Nếu chủ đơn được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam không có nghĩa là quyền sở hữu trí tuệ này sẽ được thừa nhận ở các nước khác trên thế giới. Do vậy, khi xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm sang các nước, cần thiết phải đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại những nước này và phải thực hiện tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ có liên quan đã được công bố tại các nước đó.

  1. Sử dụng thông tin SHCN trong khai thác thương mại quyền SHTT

Sau khi có được văn bằng bảo hộ, đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được quyền khai thác thương mại theo nhiều cách khác nhau như: thông qua mua bán, trao đổi trực tiếp hoặc bằng cách đưa vào sản xuất, bán sản phẩm có chứa đối tượng được bảo hộ. Phương thức chuyển giao quyền sử dụng, hoặc chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ đem lại lợi nhuận cho các chủ sở hữu văn bằng bảo hộ.

Các cơ sở dữ liệu sáng chế, nhãn hiệu, KDCN được công bố sẽ giúp cho công chúng dễ dàng tra cứu, biết đến các giải pháp công nghệ mới có thể phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhờ đó, biết được các địa chỉ cần tiến hành đàm phán, thương lượng về các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (li xăng). Do vậy, thay vì phải đi nghiên cứu hoặc thiết kế từ đầu, có thể tiến hành chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp sẽ đỡ tốn kém hơn và hạn chế được nhiều  rủi ro.

Để thuyết phục và thu hút nhà đầu tư vào doanh nghiệp và dự án kinh doanh có triển vọng, cần phải chỉ ra được sản phẩm có khả năng cạnh tranh, chất lượng vượt trội và điều quan trọng là đã áp dụng biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi làm nhái của đối thủ cạnh tranh không trung thực thông qua việc đăng ký sáng chế cho sản phẩm. Để chứng minh được giải pháp công nghệ là độc đáo, sáng tạo, cần phải chỉ ra được các sáng chế liên quan đến sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế đang có hiệu lực. Tra cứu các nguồn thông tin sáng chế sẽ có sức thuyết phục cao trong đàm phán thương mại.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba là không nhỏ, điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại. Trong những trường hợp như vậy, thông qua các báo cáo, phân tích kết quả tra cứu thông tin sáng chế sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào dự án phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Sử dụng thông tin SHCN để bảo vệ quyền SHTT

Căn cứ pháp lý để chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đó chính là văn bằng bảo hộ. Việc đối chiếu, so sánh giữa hành vi xâm phạm với phạm vi hiệu lực của văn bằng bảo hộ đã được cấp sẽ là căn cứ pháp lý để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tra cứu thông tin sáng chế, thông tin nhãn hiệu để tìm ra thông tin đầy đủ về văn bằng bảo hộ sẽ giúp xác định các yếu tố xâm phạm quyền được chính xác và tin cậy.

Nếu một doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sản phẩm sang một nước khác, nếu không tiến hành tra cứu trước thông tin sở hữu trí tuệ có liên quan đến sản phẩm đó như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, v.v. thì dễ bị gặp rắc rối tạm giữ hàng tại cửa khẩu hoặc bị khởi kiện tại toà án, đòi bồi thường thiệt hại. Phải biết được một cách chắc chắn sản phẩm dự định xuất khẩu không xâm phạm, không trùng hoặc tương tự với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác đã được đăng ký tại nước sở tại. Nếu tìm được một số sáng chế hoặc nhãn hiệu có nhiều khả năng gây ra xung đột hoặc xâm phạm quyền sở trí tuệ đã tồn tại trước, cần phải tra cứu kỹ tình trạng pháp lý và đánh giá mức độ xâm phạm để cân nhắc các giải pháp đối phó phù hợp.