Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
ban quyen
SÁNG CHẾ/ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

1) Sáng chế/ giải pháp hữu ích là gì?

– Sáng chế/ giải pháp hữu ích là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người tại ra chứ không phải là những gì (đã tồn tại trong thiên nhiên) được con người phát hiện ra.

– Thuộc tính cơ bản của sáng chế/ giải pháp hữu ích là đặc tính kỹ thuật bởi vì sáng chế/ giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật, tức là biện pháp kỹ thuật giải quyết một vấn đề.

2) Sáng chế/ giải pháp hữu ích có thể được thể hiện dưới 5 dạng sau đây:

– Cơ cấu là tập hợp các chi tiết có chức năng giống nhau hoặc khác nhau, liên kết với nhau để thực hiện một chức năng nhất định, ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, chi tiết máy, cụm chi tiết máy, các sản phẩm khác, v.v…

– Chất là tập hợp các phần tử có quan hệ tương hỗ với nhau, được đặc trưng bởi sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử tạo thành và có chức năng nhất định. Chất có thể là hợp chất hóa học, hỗn hợp chất, ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm;

– Phương pháp là quy trình thực hiện các công đoạn hoặc hàng loạt các công đoạn xảy ra cùng một lúc hoặc liên tiếp theo thời gian, trong điều kiện kỹ thuật xác định nhờ sử dụng phương tiện xác định, ví dụ: phương pháp hoặc quy trình sản xuất, xử lý, khai thác, đo đạc, thăm dò, v.v…

– Vật liệu sinh học là vật liệu có chứa các thông tin di truyền, có khả năng tự tái tạo hoặc được tái tạo trong hệ thống sinh học, ví dụ như tế bào, gen, cây chuyển gen;

– Sử dụng một cơ cấu (hoặc một chất, một phương pháp, một vật liệu sinh học) đã biết theo chức năng mới là sử dụng chúng với chức năng khác với chức năng đã biết, ví dụ như sử dụng phomat làm thuốc chữa bệnh đau răng.

3) Các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế:

– Có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới;

– Có trình độ sáng tạo, và;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.

4) Các đối tượng sau đây không được nhà nước bảo hộ:

– Ý đồ, nguyên lý và phát minh khoa học;

– Phương pháp và hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế;

– Phương pháp và hệ thống giáo dục, giảng dạy, đào tạo;

– Phương pháp luyện tập cho vật nuôi;

– Hệ thóng ngôn ngữ, hệ thống thông tin, phân loại, sắp xếp tư liệu;

– Bản thiết kế và sơ đồ quy hoạch các công trình xây dựng, các đề án quy hoạch và phân vùng lãnh thổ;

– Giải pháp chỉ đề cập đến hình dáng bên ngoài của sản phẩm, chỉ mang đặc tính thẩm mỹ mà không mang đặc tính kỹ thuật;

– Ký hiệu quy ước, thời gian biểu, các quy tắc và các luật lệ, các dấu hiệu tượng trưng:

– Phần mềm máy tính, thiết kế bố trí vi mạch điện tử, mô hình toán học, đồ thị tra cứu và các dạng tương tự;

– Giống thực vật, giống động vật;

– Phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người và động vật;

– Quy trình mang bản chất sinh học (trừ quy trình vi sinh) để sản xuất thực vật và động vật;

– Các đối tượng trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo.

5) Sử dụng Sáng chế/GPHI:

a) Sản xuất sản phẩm được bảo hộ;

b) Áp dụng quy trình được bảo hộ;

c) Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;

d) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;

đ) Nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.

6) Hành vi xâm phạm Sáng chế/ giải pháp hữu ích:

a) Sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

b) Sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.

7) Quyền tạm thời

Trường hợp người nộp đơn đăng ký Sáng chế biết rằng Sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp đã được thông báo mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng Sáng chế thì khi Bằng độc quyền Sáng chế được cấp, chủ sở hữu Sáng chế có quyền yêu cầu người đã sử dụng Sáng chế phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng Sáng chế đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.