Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024
ban quyen
THỦ TỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, CHUYỂN GIAO ĐƠN ĐĂNG KÝ
KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
  1. Sửa đổi, bổ sung đơn

a) Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung các tài liệu đơn.

b) Đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn phải nộp bản tài liệu tương ứng đã được sửa đổi, bổ sung kèm theo bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi và bổ sung so với bản tài liệu ban đầu đã nộp: Bản vẽ, ảnh chụp, bản mô tả kiểu dáng công nghiệp.

c) Việc sửa đổi, bổ sung đơn không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong phần mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn. Nếu việc sửa đổi làm mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất đối tượng thì không được chấp nhận, người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.

d) Người nộp đơn có thể yêu cầu sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn.

e) Mọi yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải được làm thành văn bản theo Mẫu 01-SĐĐ.

f) Yêu cầu sửa đổi đơn được nộp sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ cho bản mô tả, bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp thì đơn phải được thẩm định lại.

  1. Tách đơn

 a) Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ tách đơn (tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp sang một hoặc nhiều đơn mới, gọi là đơn tách).

b) Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có); được công bố theo quy định sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.

c) Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu (ngoài các thủ tục đã được thực hiện ở đơn gốc mà không cần phải thực hiện lại ở đơn tách), nhưng không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố lại và người nộp đơn phải nộp phí công bố nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu.

d) Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục sửa đổi đơn. Sau khi tiến hành thủ tục sửa đổi đơn ban đầu, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo ghi nhận việc sửa đổi của đơn, công bố nội dung sửa đổi đó trong trường hợp đơn ban đầu đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và người nộp đơn phải nộp phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn.

  1. Yêu cầu ghi nhận thay đổi chủ đơn

a) Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận việc thay đổi chủ đơn trên cơ sở chuyển nhượng, thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

b) Chuyển nhượng đơn

(i) Tài liệu chuyển nhượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (bản gốc hoặc bản sao có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền) phải có các nội dung chủ yếu sau:

– Tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

– Số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó;

– Yêu cầu ghi nhận việc chuyển nhượng đơn làm theo Mẫu 02-CGĐ;

c) Thay đổi chủ đơn do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền

Người nộp đơn có thể chủ động yêu cầu thay đổi chủ đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên cơ sở thừa kế, kế thừa tài sản khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách pháp nhân, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác;

  1. Rút đơn

a) Việc rút đơn phải do chính chủ đơn hoặc do người đại diện được chủ đơn ủy quyền thực hiện thông qua tuyên bố bằng văn bản. Đối với đơn nộp qua đại diện, trong giấy ủy quyền phải nêu rõ việc ủy quyền rút đơn hoặc phải kèm theo thư lệnh chỉ rõ số đơn cần rút.

b) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ:

(i) Ra thông báo chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn đáp ứng quy định và chấm dứt việc xử lý đơn, ghi nhận việc rút đơn trong hồ sơ đơn. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã rút không thể được khôi phục mà chỉ có thể dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại khoản 3 Điều 116 của Luật Sở hữu trí tuệ; hoặc

(ii) Ra thông báo từ chối chấp nhận rút đơn do yêu cầu rút đơn không đáp ứng quy định trên đây.