Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
ban quyen
KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
  1. Khái niệm

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện… thuộc mọi lĩnh vực, có kết cấu và chức năng nhất định, được sản xuất và lưu thông độc lập.

  1. Điều kiện bảo hộ

Kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới trên phạm vi thế giới, nghĩa là chưa từng được bộc lộ công khai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dưới hình thức công bố hoặc sử dụng.
  • Có tính sáng tạo, nghĩa là kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp, nghĩa là có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
  1. Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình thuộc lĩnh vực tương ứng;
  • Hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có hoặc chỉ mang đặc tính kỹ thuật;
  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng;
  • Hình dáng bên ngoài chỉ có giá trị thẩm mỹ (không dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp);
  • Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
  • Các đối tượng trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo.
  1. Sử dụng kiểu dáng công nghiệp

a) Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ;

b) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm a khoản này;

c) Nhập khẩu sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

  1. Hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp:

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp

a) Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

b) Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.

  1. Quyền tạm thời

Trường hợp người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp biết rằng kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp đã được thông báo mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp thì khi Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu người đã sử dụng kiểu dáng công nghiệp phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.